Tôi đang viết nhật ký ở tuổi 20
Trung du, ngày 27/06/1991:
Hôm nay đúng sinh nhật tròn tuổi 20, tôi bắt đầu viết nhật ký của riêng mình, bỏ sang một bên những trang lưu bút tuổi học trò buồn tẻ như: Tôi ơi, hôm nay là buổi học cuối cùng của tuổi học trò, hoa phượng đã thắm đỏ khắp sân trường… buồn cười và lạ thật còn chưa biết thành phố Hải Phòng ở đâu? Viết nhật ký toàn tớ tớ, mày mày. Học lớp 12 rồi mà vẫn mặc quần ống tuýp vá mông, vá gối, mỗi bàn học ngồi chung một cái ghế băng gỗ dài, con trai, con gái ngồi chung bàn còn vạch phấn chia ranh giới ở ghế rồi cãi nhau chí chóe. Một thời bao cấp đói lắm cơm còn chẳng có mà ăn ¾ toàn độn sắn khoai, mì bobo lấy đâu hơi sức mà yêu với đương;
Gia đình nhỏ có Bố, Mẹ và 4 anh em tôi. Bố là bộ đội chống Mỹ may mắn được trở về năm 1975 hạng thương binh H3 với đầy thương tích giờ chuyển ngành về làm ngay Bệnh viện tỉnh, Mẹ tôi là cán bộ ty Công nghiệp nay cũng chuyển công tác về ty Xây dựng tỉnh nhà để cả gia đình được đoàn tụ. Em trai, em gái được sinh ra lúc tôi còn nhỏ chỉ có cậu em trai út là tôi phải bế ẵm nhiều nhất, “Vậy mình sẽ viết nhật ký bắt đầu từ khoảng thời gian mà mình nhớ rõ nhất”
Ký ức tuổi thơ ùa về như làn sương đêm lúc ẩn, lúc hiện. Năm lên 7 tuổi tôi đã phải xa mẹ về quê sơ tán khác với sơ tán năm 1967 mọi người ở thành thị phải di chuyển về các vùng nông thôn để tránh máy bay Mỹ ném bom các thành phố. Thời gian này chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam 1975 vừa xong lại đến chiến tranh biên giới phía Tây nam năm (1975 – 1978), bọn Campuchia dân chủ chính là Khmeđỏ/Pol pot với ý tưởng điên rồ là diệt chủng giết bớt người dân ngay tại quê hương. Chúng đã tràn vào nước ta đốt phá làng mạc, giết hại dã man dân làng bằng cuốc xẻng bổ vào đầu hoặc chôn sống trong hố chôn tập thể.
Bố tôi là bộ đội Nam tiến, vừa xuất ngũ trở về vì là thương binh hạng 3 nên không phải theo đoàn quân tiếp tục hướng về biên giới Tây nam đánh đuổi giặc thù phía Nam.
Phía Bắc ngày 17/02 năm 1979; 60 vạn quân Trung Quốc tràn sang dải biên giới đất liền (Các tỉnh giáp biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Giang – Lào Cai) với chiêu bài “ Dạy cho Việt Nam một bài học”.
Đất nước chưa kịp yên bình để xây dựng lại sau đống đổ nát lại phải oằn mình, cặp mắt hừng hực lửa quyết tâm cho cuộc chiến mới; Đoàn bộ đội rùng rùng hành quân lên phía Bắc, trên con đường đất đỏ bụi mù , hướng ngược lại là cảnh người dân lũ lượt cùng với gồng gánh đồ đạc lỉnh kỉnh, họ chạy về xuôi để tránh pháo kích.
Tôi được đưa về chính quê mình vùng Trung du đất Tổ. Quê tôi là một xã nghèo đất cằn sỏi đá cả vùng chỉ có cây sắn, cây bạch đàn mới chịu đựng được thổ nhưỡng bạc tình này, đường vào làng thì cụt hứng vì qua xã là lên bờ đê sông Hồng, bên xã đó có con Sông, có phù sa bồi đắp nên cuộc sống dễ thở hơn.
Bắt đầu cuộc sống ở nông thôn
Ngày 30/2 năm 1979:
Tôi đang ở quê với Ông, Bà nội và được đưa vào học tiếp lớp 2 trường làng, thời đó đang áp dụng cuộc cải cách giáo dục (GĐ: 1956 – 1976), hệ thống phổ thông chỉ có 10 năm, lớp 1 đến lớp 10( Cấp 1 từ lớp 1- 4); Lớp 1 là lớp vỡ lòng đến năm ( 1993) mới thay đổi thành hệ 12 năm và bỏ lớp vỡ lòng; Bà tôi làm ruộng nhưng Ông tôi lại là cán bộ kiểm lâm quản lý tận những cánh rừng xa tít ở Tân Sơn, Thanh Sơn. Ở Quê không có điện tối đến thắp đèn dầu tù mù, nóng bức. Bà nội đêm nào cũng nằm cạnh tôi phe phẩy chiếc quạt lá cọ, giọng Bà cứ kể chuyện to nhỏ đều đều chuyện ngày xưa làm tôi quên cả nóng ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Công việc của tôi ở quê là sáng đi học chiều về thả trâu. Nhà Ông bà chỉ có một con trâu màu đen, mắt hiền cặp sừng bóng loáng, cứ ăn cơm trưa xong là mở cửa chuồng dắt trâu rong ruổi hơn 2 cây số mới đến khu đồi rừng của nhà Ông, Bà rồi kiếm một bãi thật nhiều cỏ dong trâu ở đó, xong cả lũ trẻ chăn trâu ríu rít rủ nhau xuống ven đồi sát ruộng lúa để bắt cua, bắt cá, bắt được rồi thì đem lên đồi nướng cá, nướng sắn ăn ngon lành. Chiều sâm sẩm tối cả bọn í ới gọi nhau về nhà, mà khổ một nỗi tôi ở thành phố có biết chăn trâu đâu, nhìn lũ bạn mới quen hiên ngang cưỡi trên lưng trâu như những vị tướng, còn tôi lọ mọ dắt trâu về bước thấp bước cao nghĩ mà tủi thân. Mãi mới về đến đường làng thì gặp mấy anh lớn tuổi cùng xóm đi làm đồng về họ giúp tôi trèo lên lưng trâu, giúp tôi tư thế kỹ thuật ngồi quay mặt hướng về mông nó. Tôi đang hí hửng bỗng con trâu lồng lên, hậu quả là tôi ngã đập mặt xuống đường tối tăm mặt mũi, lồm cồm bò dậy lúc này mới thấy đau rờ đến tay chân thấy sứt sát hết tôi bèn khóc ré lên, Chắc là có ai đó làm con trâu giật mình. Biết là trò đùa dại dột các anh cùng xóm xúm lại dỗ dành tranh nhau cõng tôi về trên đường đi họ hứa hẹn đủ điều nhưng không quên dọa tôi là về đến nhà cấm được mách ông bà. Câu chuyện cưỡi trâu bị ngã tôi còn nhớ như in vì đến giờ vẫn còn một vết sẹo nhỏ, còn chuyện những đêm mùa hè nóng không ngủ được Bà tôi nằm cạnh vừa phe phẩy cái quạt lá cọ vừa trầm ngâm kể về thời trẻ bà đi dân công thời chống Pháp. Bà đã nhìn thấy lính Pháp và toàn gọi nó là thằng Tây mũi lõ, nào là chuyện lũ lụt vì vỡ đê năm 1971 năm tôi sinh ra,dân làng chết đói nhiều không đếm được, lũ dâng cả làng kéo đến nhà ông bà tôi trên đỉnh đồi giữa xóm ở nhờ mấy tháng, sang chuyện máy bay Mỹ ném bom như rãi trấu, ở thành phố báo động có máy bay Mỹ ném bom là tiếng còi hú còn ở nông thôn là âm thanh chát chúa của cái búa gõ vào quả bom to như thân người lớn bằng sắt đã được tháo gỡ. Lại một trận oanh tạc nữa của máy bay B52 Mỹ, bà tôi nằm dưới hầm chữ A bị sức ép của quả bom nổ gần, nhà cửa tan tành, hầm bị lấp bà tưởng không thể sống sót. Đúng là nhà tôi xung quanh có đến 3 hố bom như cái lòng chảo gang lớn màở quê gọi là ao chuôm cứ đến mùa mưa là ếch, ương, chẽo chuộc kêu uômoam điếc hết cả tai. Những chuyện Bà tôi kể, một là khi tôi chưa sinh ra hai là tôi đã sinh ra nhưng còn nhỏ quá nên không được tận mắt chứng kiến nên rất mơ hồ xin phép không viết ra đây, chỉ nhớ theo lời Bà kể về tội ác của bọn Trung Quốc đã xâm lấn đến tận Hà Giang, Yên Bái dân làng sợ quá có người trốn trong chuồng lợn đắp đầy phân lên vẫn bị chúng dùng cuốc đập đầu ( Sau này mới biết bọn bành trướng đó không qua nổi 5km đường biên giới và bộ đội ta anh dũng, kiên cường bám chốt và tiêu diệt chúng như giết kiến) rồi nhớ nhất chuyện kể về bọn Polpot giết người dã man trong hố chôn tập thể đã được tôi thống kê phần trên vì nó là nỗi khiếp đảm trong những giấc mơ của tôi thời thơ ấu.
Lại nói về Đại gia đình ở quê, Bố tôi là con trai một và 2 bà em gái, chiến tranh đã cướp đi của tôi một cô và một chú ruột. Cao nhất còn lại là Cụ ông 90 tuổi râu tóc bạc phơ và Cụ bà 88 tuổi da nhăn nheo răng đen bóng, hai cụ ở tại căn nhà dọc bằng gỗ mái lá di sản còn lại sau trận bom Mỹ. Các cụ tuổi đã cao nên không đi làm đồng ngày đều ba bữa hai cụ ăn riêng như đôi chim già, một niêu đất cơm, một niêu đất tép, cà pháo canh chua thật là ấm áp.
Ông bà và hai cô ở trên nhà ngang 5 gian tường gạch mái ngói vừa xây mới, Bà tôi và hai cô (Bây giờ thêm tôi) sáng đi làm đồng từ sớm tinh mơ chiều tối nhọ mặt mới về cơm nước ăn xong thì cụ tôi đã ngủ từ lâu. Tôi còn bé nên không phải làm đồng hôm nào trâu bận đi cày tôi chỉ có việc chơi bi, chơi khăng đánh đáo cùng lũ trẻ con hàng xóm những ngày nghỉ đó chơi chán, đến bữa lại được hai cụ gọi vào cho bữa cơm niêu mới ngon làm sao, hương vị đó đến nay tôi vẫn còn nhớ và luôn thèm muốn.
Cuộc sống ở nông thôn thời xưa là phong cảnh làng xóm, đồng quê tự nhiên mộc mạc nguyên bản như những gì tạo hóa ban cho với những cánh đồng, rạch mương đầy tôm cá và những đêm trăng thanh gió mát tát gàu sòng lấy nước vào đồng, với quang cảnh nhộn nhịp mùa gặt bội thu với những gánh lúa kĩu kịt trên vai những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng đầy chất phác. Mặc dù cuộc sống còn nhiều kham khổ với những bữa cơm không đủ no, thức ăn thì tương cà mắm muối, cả tuần có khi mới có bữa tươi mỗi người tiêu chuẩn chỉ được hai miếng thịt mỡ mỏng dính. Nhưng với một người sống ở thành thị như tôi thì đó là một trải nghiệm tuyệt vời, với mùi thơm nức của bát cơm lúa mới chứ không phải bát cơm gạo tồn kho ba phần là mọt hôi rich. Bữa ăn của những người thành phố có khác cũng tương cà mắm muối, nhưng nồi cơm thì ba phần độn sắn ruôi mốc, mì sợi, hạt bobo toàn những đồ để tồn trong kho, nguồn từ các nước XHCN anh em gửi sang cứu trợ, ăn mà không nuốt nổi. Nói thì vậy thôi chứ ai chả có một thời vất vả, xã hội rồi sẽ thay đổi và phát triển, cuộc sống cũng sẽ sung túc hơn với những người biết chấp nhận thực tại chỉ đáng tiếc là không được ở lâu nơi đây để có trải nghiệm nhiều hơn chia sẻ nhiều hơn phong cảnh đồng quê cùng các bạn. Tôi đã nhận được thông báo chuẩn bị hành trang trở về thành phố. Mẹ tôi sắp sinh em trai. Nghĩ mà thương các em quá, bố mẹ đi làm vắng, một là khóa cửa nhốt trong nhà, hai là thả vào cũi trong nhà trẻ, giờ này chắc các em tôi đã khóc hết nước mắt!
Các em ơi anh sắp về đây, hàng ngày sau giờ giúp đỡ Cha mẹ, lưng anh cõng tay anh bế chúng ta cùng ra bãi cát công trường chơi đùa thỏa thích.
Vì nhớ các em nên tôi quyết định rời quê sớm hơn dự kiến, bỏ lại cái thanh bình thoang thoảng mùi hương đồng nội nó khiến cho lòng tôi bâng khuâng thổn thức, những hình ảnh, những cảm xúc khó tả mãi mãi in sâu trong tâm trí, sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim tôi.
TB: Ngày 18/5 năm 1980